Kỹ thuật nuôi gà ác đẻ trứng
Gà ác là một giống gà mới với màu đặc trưng là thịt đen, xương đen. Từ gà ác có thể chế biến nhiều món ăn bổ dưỡng cho sức khỏe, thậm chí chữa được nhiều bệnh như suy nhược, tiểu đường, ra mồ hôi trộm. Có thể nói, gà ác là một trong những loại kê dược trị bệnh rất tốt, chính vì vậy từ bấy lâu việc nuôi gà ác là một hướng phát triển kinh tế hiệu quả khi đây là giống gà dễ nuôi và bán ra thị trường với giá cao.
1. Chuẩn bị chuồng trại chăn nuôi
– Chuồng nuôi gà ác phải cao ráo, thoáng mát, sạch sẽ. Chiều cao từ mái chuồng xuống nền là 3m. Tường bê tông xây bao quanh chuồng xây bằng gạch cao khoảng 70 cm. Tường ngăn giữa các ô chăn nuôi khoảng 50 cm. Phía bên trên được quây bằng lưới thép để tạo thông thoáng, tránh ẩm thấp cho nền chuồng.
– Tiến hành sát trùng chuồng trại bằng vôi hoặc các thuốc sát trùng khác. Để thông thoáng trước khi chăn nuôi từ 15-20 ngày.
– Chuồng gà cần được bố trí rèm che bên ngoài lưới thép để tránh gió và tránh nắng.
2. Giai đoạn gà con (Gà 0-9 tuần tuổi)
Cách chọn giống: Bà con nên chọn những giống gà nhanh nhẹn, mắt sáng, tinh ranh, bụng gọn, chân mập mạp, khối lượng gà 30 – 32g là đạt yêu cầu. Tránh chọn những con khô chân, vẹo mỏ, khèo chân, hở rốn.
Thức ăn, nước uống: Trong giai đoạn gà con, bà con có thể dùng cám công nghiệp cho gà ăn tự do. Chu kỳ cho ăn trung bình 9 – 10 lần / ngày đêm. Cần phải cho gà uống nước sạch, tránh nhiễm khuẩn. Bà con pha thêm 5% đường glucoza vào nước cho gà uống trong những ngày đầu. Về phần máng ăn, có thể sử dụng máng ăn có kích thước rộng khoảng 40cm, dài 60 cm, cao 2-3 cm. Còn máng uống có dạng hình tròn, bằng nhựa. Máng ăn và máng uống có thể đặt xen kẽ nhau để gà có thể dễ dàng tìm được thức ăn và nước uống trong quá trình ăn.
Nhiệt độ: Gà con bật đèn 24/24 giờ trong 2 – 3 tuần đầu. Sau 4 – 6 tuần, giảm dần còn 16 giờ/ngày. Tuần thứ 7 – 9 có thể tận dụng ánh sáng tự nhiên.
3. Giai đoạn gà giò ( Gà từ 10-19 tuần tuổi)
Chuồng trại: Đây là giai đoạn phát triển mạnh nhất của gà nên chuồng trại cần thông thoáng, mát mẻ. Mật độ nuôi trung bình từ 7-8 con/m2.
Thức ăn, nước uống: Bà con nên cho ăn những loại thức ăn có chất dinh dưỡng cao để giúp gà có khả năng sinh sản mạnh ở giai đoạn sau. Các loại thức ăn giàu chất dinh dưỡng như ngô, thóc, cám đậm đặc dành cho gà dò, khô đỗ, vitamin. Để được 10 kg thức ăn ta có thể trọn 4 kg bột ngô+ 2.5 kg thóc+ 2 kg đậm đặc+ 0.25 kg khô đỗ+ Vitamin. Máng ăn được treo lên cẩn thận để gà không làm đổ thức ăn. Máng nước uống cho gà đặt vào góc chuồng. Như vậy, nếu nước bị đổ cũng sẽ hạn chế làm ướt chuồng, ảnh
4. Giai đoạn gà sinh sản
Chọn gà mái sinh sản: Để chọn con giống sinh sản tốt cần đảm bảo tiêu chí gà có bộ lông mượt, 2 cánh sáp sát vào thân, mào tích phát triển tương đối. Khối lượng trung bình khoảng 1,2 – 1,5kg.
Ổ đẻ của gà: Ổ đẻ của gà ác được bố trí ở nơi mát mẻ, thường là ở gần chân tường, như vậy vừa không tốn diện tích chuồng, vừa không ảnh hưởng đến khu vực để thức ăn, nước uống cho gà. Ổ đẻ được làm bằng gỗ, thường được chia thành các ô. Chiều sâu khoảng 40 cm, chiều rộng 30 cm, chiều cao 40 cm. Trong ổ đẻ, đổ trấu hoặc phôi bào mới dày khoảng 10-12 cm.
Thức ăn, nước uống: Số lượng thức ăn cho mỗi kg gà khoảng 2 lạng/ngày và chu kỳ ăn 2 lần/ngày. Để trộn 10kg thức ăn ta cần 4.5 kg bột ngô+2kg thóc+3.4 kg cám đậm đặc dành cho gà sinh sản + 0.2 kg khô đỗ + Vitamin. Về nước uống cho gà, phải đảm bảo thường xuyên đủ và sạch. Mỗi ngày bà con thay nước 2-3 lần. Khi gà đẻ đạt đỉnh cao, bà con cần bổ sung các loại vitamin vào nước uống. Đặc biệt, vitamin trong giai đoạn này vừa giúp gà khỏe mạnh, đẻ trứng đều vừa tăng sức đề kháng cho gà tránh được dịch bệnh cho nên bà con cần bổ sung liên tục.
Thu trứng: Mỗi ngày bà con cần chú ý thu trứng từ 3-4 lần để đảm bảo trứng sạch và tránh bị dập vỡ. Sau khi thu trứng xong, bà con đưa trứng vào khay để trứng không bị va đập. Bảo quản trứng trong môi trường tự nhiên từ 18 – 20 độ C, ngoài ra để ấp trứng cần tránh tình trạng bảo quản trứng quá lâu.
5. Phòng bệnh cho gà ác
Tương tự như các giống gà khác, để gà phát triển tốt, bà con cần chú ý phòng bệnh và trị bệnh cho gà bằng cách vệ sinh chuồng trại, máng ăn máng uống sạch sẽ, thường xuyên thay chất độn chuồng, thực hiện đúng lịch tiêm chủng vắc xin, thuốc bổ để gà phát triển tốt.
Bài viết trên là tất cả những kinh nghiệm trong chăn nuôi gà ác đẻ trứng, đây là một mô hình mang lại kinh tế cao. Bà con có thể tham khảo và ứng dụng trong gia đình góp phần tăng hiệu suất kinh tế, mang lại thu nhập thêm cho gia đình
Để lại một bình luận
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.